Powered By Blogger

Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau



LỜI NHÀ XUẤT BẢN


Lúc đó là ngàn chín trăm sáu ba.
Đêm cuồng bạo và ngày không mặt trời.
Đầu chúng ta cụng đạn, cổ kề lưỡi lê, chân giẫm vào vực thẳm. Đơn độc và tự lực tới mức độ thần thánh. Bỗng ngọn đuốc Tỉnh Thức bùng lên soi Đường và sưởi ấm niềm tin: Bồ Tát, Quảng Đức hoá Lửa và tuyên Lời. Ý thức đã đập vỡ ý thức trong lòng ý tưởng để dũng hoạt sự tương-duyên-sinh-khởi thành sinh-thức: SINH THỨC mới Việt Nam.
Kể từ đấy chúng ta mới tìm lại được Đường Lớn của mình. Chấm dứt sự vay mượn. Chấm dứt đi làm thuê ở mướn. Cũng kể từ đấy, chúng ta tìm lại được nguồn văn học của mình. Một nền văn học bao dung và trí tuệ.
Khoan bàn tới nền Văn học giao hoà của ta xưa. Chỉ nhìn sơ từ nền Văn học cảm giao của thế giới, gọi là Văn học tiền chiến, cho tới nền Văn học trữ tình kháng chiến 45-49, mà qua đó những tác phẩm đã thực sự rung động cảm thức số lớn của chúng ta. Phải nhận rằng ngàn-chín-trăm-sáu-ba đánh dấu sự chuyển mình lớn của Văn học Việt Nam trong giai đoạn mới của sử tính. Dường như chúng ta trở về tổ ấm, vừa nắm bắt vũ khí sở trường chôn lâu trong hoen rỉ và lãng quên để trang bị tri thức và tâm linh mình. Không có vũ khí tinh thần nầy, chúng ta chẳng còn là chúng ta nữa.
Bài “Lửa Từ Bi” của Vũ Hoàng Chương đã thực đánh dấu cho sự chuyển mình đó. Nó bộc lộ đủ một phong triều văn học mới dựng trên Bao dung và Trí tuệ. Bởi nó đã ánh được Ngọn Lửa Tỉnh Thức. Bởi nó đã dùng lời Việt nói ra sự chấn động ầm ầm của lương tâm quốc tế. Thời điểm Con Người bỗng nhận diện ra nhau quanh ánh Lửa, giữa vùng rừng u minh kinh khiếp đen, và trên mọi danh phú tôn vị, tín ngưỡng, chủ thuyết.
Lý do khiến chúng tôi không thể nào quên và phụ rẫy Ngọn Lửa Tỉnh Thức đã thắp lên, đã cứu, đã để cho chúng ta được sống tới ngày nay trong niềm hãnh diện người. Hẳn nhiên chúng tôi cũng không thể quên Ánh của Lửa đã huy hoàng sáng láng những dòng Thơ, nguyên trinh Người, và vinh quang Tình Thương. Lý do chúng tôi tưởng mộ thi hào Vũ Hoàng Chương khi in tập thơ nầy – “Chúng ta mất hết chỉ còn nhau”.
Những trang, những chữ sắp, những màu, những giấy… sao quá thô sơ và phù phiếm bên cạnh Thi ca – Thi ca của Mây và của Lửa, thi ca của Âm Dương. Thực ra, không chỉ có vậy. Còn có những ngày, những giờ, những thương nhớ, tưởng vọng của những người thợ in Việt Nam, đang sống nơi lưu xứ, đã đem hết tất cả lòng dạ thực hiện ngoài giờ giấc lao động sinh sống, trong đêm sâu, xuyên giấc nghỉ. Như thế đó, gọi là tưởng mộ. Mong nơi quê hương xa, Thi sĩ Vũ Hoàng Chương khứng nhận.
Ấy là chưa kể niềm ân cảm của chúng tôi đối với Thi sĩ, đã cho phép in lại không những “Lửa Từ Bi”, mà còn gửi thêm 11 bài hầu thành một chuỗi nhân duyên chuyển hoá.



Paris, mùa đông 1.1.74
Rừng Trúc
--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thi Phẩm

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
  Lửa Từ Bi

Kính dâng lên Bồ-tát Quảng-Đức

Lửa! Lửa cháy ngất toà sen! tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành THƠ, quỳ cả xuống. Hai Vầng-Sáng rưng rưng Đông Tây nhoà lệ ngọc chắp tay đón một Mặt-trời-mới-mọc, ánh Đạo-Vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên & Ôi! Đích thực hôm nay trời có mặt; giờ là giờ Hoàng-đạo nguy nga! Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt nhìn nhau: tình Huynh đệ bao la. Nam mô Đức-Phật-Di-Đà, Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay? & Thương chúng sinh trầm luân bể khổ, NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây; gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ, Phật-pháp chẳng rời tay. Sáu ngả Luân-hồi đâu đó mang mang cùng nín thở, tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh-xe-quay. Không khí vặn mình theo khóc oà lên nổi gió; NGƯỜI siêu thăng giông bão lắng từ đây. Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây, nhân gian mát rợi bóng cây Bồ-đề & Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc; lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi; chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên-thu-tuyệt-tác trong vô hình sáng chói nét Từ-Bi . & Rồi đây, rồi mai sau, còn chi ? ngọc đá cũng thành tro lụa tre dần mục nát với Thời-gian lê vết máu qua đi Còn mãi chứ! còn Trái-Tim-Bồ-Tát gội hào quang ..xuống tận ngục A-tỳ. & Ôi Ngọn-lửa-huyền-vi! thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác từ cõi Vô-minh hướng về Cực-lạc; vần điệu của Thi-nhân chỉ còn là rơm rác và chỉ nguyện được là rơm rác, THƠ cháy lên theo với lời Kinh tụng cho Nhân-loại hoà bình trước sau bền vững tình Huynh-đệ này. &

Thổn thức nghe lòng trái Đất mong thành quả Phúc về cây; nam mô Bổn-Sư-Thích-Ca-Mâu-Ni-Phật; [1] đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt, tình thương hiện Tháp-Chín-Tầng xây.


Saigon tháng 5, P.l. 2507 (T.l. tháng 6, 1963) Ghi chú: [1] Trong thi phẩm Lửa Từ Bi, câu này không có hai chữ "Bổn-Sư", và chữ "Mâu" in là chữ "Mầu": Nam-mô THÍCH CA MẦU NI PHẬT



Nhâm Tý Khai Bút


Giấc mộng trường chinh lửa ngút mây… Tỉnh ra ngựa đấy với thuyền đây nhìn nhau: chuột nhỏ tung tăng dạo, vừa uống sông xuân một bụng đầy. & Bản dịch sang Hán tự của chính tác giả. (phiên âm: ) Trường chinh mộng hậu tức phong yên Thiên lý long câu vạn lý thuyền Hốt ngộ tiền thân nhất yến thử Ẩm hà mãn phúc tuý xuân thiên


1972
---------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hội Xuân


Người đi, bóng ở lại cùng non Hương vách Phật núi Hùng đu Tiên Bóng chưa nhoà, dễ ai quên mơ chùa Hương chín mộng đền Hùng xanh Giờ đây các chị các anh mộng phai mơ héo cho đành được sao? Tháng Ba trẩy hội năm nào đường lên Hùng-lĩnh nẻo vào Hương-sơn Mấy vòng đu, mộng chập chờn; một rừng mơ, gió từng cơn thoát trần. Còn ai không là cố nhân! đã quen từ những tiền thân kia rồi, từ trong ý thức Giống-nòi, từ trong tâm tưởng kết lời Nam-mô, từ trong mây nước hẹn hò: Lâm-thao ngược bến, xuôi đò Hà-nam. Chưa tươi nụ Lạc hoa Đàm, lá chưa về cội, chưa cam lòng này. Có ai mặt nước chân mây cùng ta nhớ bóng, thương ngày hội Xuân?


1972
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tin Xuân Gió mời lên phải may Trăng dìu lên phải đầy Trà dâng lên phải là khói Thơ ngâm lên phải là mây Đốt đèn lên phải ma hiện Trời phải vào khuya người phải nằm say. Ma là Người... kiếp khác, Người là Trời... đêm nay. Nghe chừng lửa đã tắt Hai bờ Con-Sông này... Ờ nhỉ! đâu còn Vết-Cắt! Sao lòng ai vẫn chưa hay? Nằm kia, Người nín bặt; Vòng luân hồi đã ngược chiều quay, Ma thôi vất vưởng, trời thôi lưu đày, Cần chi nữa gió may! Tha hồ trăng vơi đầy... Thơ đang nhập thần, trà nhập đạo; Xuân đang tràn ra ngoài khói mây.



Tết Quý-Sửu 1973
--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tố Của Hoàng Ơi


Năm 12 tháng, ai không biết! Đã tháng nào không tháng 6 chưa? Tháng có 30 ngày để giết, Ngày 12 vẫn sống như xưa. Lịch treo giữa ngực kêu thành tiếng, Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa Rả rích từ hôm con én liệng Vào lồng son... tủi áng mây đưa. Thời gian từng giọt buông theo máu Lại trở về, không gọi cũng thưa. Còn đó 12, còn tháng 6... 30 năm lẻ vẫn chưa vừa! Còn khóc trong tim này bất tuyệt; Chừng như rối loạn cả đường tơ? Trăng-nhà-ai vẫn là Trăng-khuyết Đứng sững từ đêm ấy đến giờ! Ngày mai ngày mốt anh nằm xuống, Ngọc đọng cơn sầu nửa kiếp Thơ. Đập nát ra! cho trời đất uống! Thì em sẽ rụng khỏi Đêm-mờ. & Phút giây Trăng-một-phương tròn lại Rồi tự hoà tan Rượu-đắng mơ, Cùng nhịp tim trôi vào tận cõi Không-ngày-không-tháng-không-bơ-vơ. 12 tháng 6... cung Hồ Xế... Một mối tình si một mối thù Giây phút cũng tan thành biển lệ; Trả cho cát bụi nhé Kiều-Thu!

12 tháng 6 Nhâm Tý, 1972
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
  Bài Thơ Hàng Cỏ

Ta còn nói gì bây giờ nữa? một bến đã không đành nằm chung. Làm được gì bây giờ? buổi đó tình chia hai đã tháo rời khung. Ai dám ngờ đâu khung cũng hư! nơi em vẫn gọi Lầu-Tương-tư, hay Uyên-ương-Các như anh gọi, đến nay chỉ còn là danh-từ. Một mảnh tàn-y vụn… Hỡi ơi, làm sao mảnh vụn để dành hơi! làm sao gọi được “lầu” hay “gác” khi đã là tro bụi giữa đời!... Tro bụi, từ khuôn kính bức mành dãy nhà nâu thẫm hàng cây xanh đến con đường nhựa đường xe điện, từng phố từng khu nội ngoại thành. Nói chi những gợn sóng the hồng nửa khép vùng chăn nhiễu gối bông, đèn ngủ, lẵng hoa, thư, nhật ký và – trên tất cả - giấc mơ nồng! & Tất cả một kinh đô nát nhầu, lửa hằn ngang dọc vết khơi sâu; bụi nhoà tro xám chôn vùi hết, ai dễ còn vang bóng mãi đâu! Lầu gác đi hoang tìm lại tên… chợ nào kia ngã gục trên nền? cửa đâu mà mở vào khung được! ngăn ngắt thời gian áo Lãng-quên. Nhớ chăng? Áo cỏ, hàng em ưa, màu “Cỏ Uyên-ương” say nắng mưa, hương “Cỏ Tương-tư” mê sớm tối; khung Tình, thôi nhé, đã thành xưa! Vì… bụi vô danh, tro khuyết danh một Sông hai Bến ấy đang thành; nằm trong Hàng-Cỏ em đang mất và cuối Bài-Thơ cũng mất anh.

1972
-----------------------------------------------------------------------------------------
  Kích Thước Chưa Từng

Cát khô vừa mọc lên Nàng, Cũng vừa rơi xuống một Chàng ngoài mây. Nhìn nhau, cười… Gặp nhau đây Nào ai biết được nơi này là đâu! Hẳn không là trái Địa-cầu Già nua… Ta hãy bắt đầu cuộc chơi Kể bằng tim, diễn bằng môi, Chuyện-vô-tích, Kịch-vô-hồi: Yên-đương! Chẳng ai là Hậu, là Vương; Danh-từ xưa, quá khiêm nhường tối tăm. Không-gian vừa có trung tâm Ở môi hôn… vượt mọi tầm cao xa. Thời gian chẳng đến, chẳng qua; Luôn luôn nhắc lại – màu hoa bóng lồng Giữa hai gương-phẳng-song-song – Một giây bất tuyệt trốn vòng hoá sinh! Trăm, ngàn, muôn, ức triệu hình Tự nhân lên… Một hành-trình-kín-bưng Tự vào sâu mãi không ngừng, Làm ra Kích-thước-chưa-từng: Lứa đôi! & Chuyện-vô-tích Kịch-vô-hồi Kể bằng tim diễn bằng môi, tự đầy. & Chàng rơi xuống từ ngoài mây Có là thiên-thể lạc bầy không trung? Mọc lên từ cát trập trùng, Hay Nàng là bụi của thung-lũng nào? Hỏi làm chi! Hãy nhìn cao, Đếm cho hết những vì Sao trên trời, Nhân-gian sẽ được trả lời!

1972
-----------------------------------------------------------------------------------------
Có Gì Ở Trong

Phật rằng: trong Lửa có hoa sen. Lửa mách người: trong Nước có tiên. Nước réo: trong Cây đều có quỷ Làm yêu làm quái... để tìm quên. Lời yêu: quên được đã quên rồi! Thánh vẫn than trong Vàng đấy thôi. Uổng có miệng thêu lòng nở gấm, Dao vung lên cũng đứt làm đôi. – Còn trong Đất, chẳng có gì sao? Nghe hỏi, Cây-trên-bến nghẹn ngào. Cuội chợt khóc vang... người chợt tỉnh: Có mầm Đau rắc tự trời cao!

1973 Ghi chú về đoạn 2: Danh sĩ Thánh-Thán họ Kim. Bị triều đình Mãn-Thanh khép vào tội “Yêu ngôn hoặc chúng” và xử “Chém ngang lưng”.
----------------------------------------------------------------------------------------
Mừng Phật Đản 2516

Hoa-nghiêm chợt tỉnh kiếp nào xưa cho tấm lòng Xuân đẹp mấy bờ! Chuông khánh Hàn-san đêm Nhiệt đới thuyền vào… tay ngọc rắc như mưa. Cây bên sông đứng hai hàng chữ in xuống Thời-gian nghĩa bất ngờ. Vành vạnh trăng lên từ đáy nước, hải triều vang dội hướng mây đưa. Mây phong nếp áo ngàn xưa mở tung hương sắc hội Mưa-hoa này. Tròn duyên, Thiên-nữ chắp tay; chúng sinh bao kiếp đọa đày sạch trơn.
-------------------------------------------------------------------------------------------
Sang? Chưa Sang?

Hóa thân từ Đá-ba-sinh; Nửa hồn trăng, nửa tâm tình nước mây. Lời-thơ xõa tóc sầu vây, Tiếng-ca giông bão về đầy từng đêm... Sang Sông rồi ư, cô em? Bờ-bên-đây sóng chưa chìm cơn mê; Còn rung nát cỏ chân đê, Còn gây thương tích sáu bề giác-quan. Hay là cô em chưa sang? Bên-kia-bờ vẫn đảo-hoang-ngàn-đời... Thì Sông, thì Bến... hỡi ơi! Cỏ đau càng giợn chân trời âm thanh. Sang? chưa sang? Đành, sao đành Tin Hoa lẩn mãi sau vành nón Thơ? Bướm-xuân liệng đến bao giờ?

1972
------------------------------------------------------------------------------------------
Kết Cuộc

Ngày xưa dựng cuộc để làm quan, Chiếm được người yêu rồi mộng tàn. Một cuộc trải qua... không đất đứng, Ôm chân tượng đá gửi hồn oan. Ngày nay nhập cuộc để làm lính, Hạ kẻ thù rồi thua cuộc luôn. Máu lặn mặt trời đêm bất hạnh, Ôm lưng hũ rượu sưởi cơn buồn. Ngày mai bỏ cuộc để làm người, Ôm cuộc tình ra khỏi chuyện đời. Cuộc chiến cũng giao hoàn đứa trẻ Từ lâu bày đặt những trò chơi.

1972
----------------------------------------------------------------------------------------
Ba Kiếp Lang Thang

Chúng ta đánh mất cả rồi sao?
Cả đến âm thanh một thuở nào...
Da trống, tơ đàn, ôi trúc phách!
Đều khô như tiếng hát gầy hao.

Đàn mang tên Đáy mà không đáy
Rút hết rồi chăng sợi nhớ thương?
Hay phách, từ lâu rồi lạc phách,
Không còn dựng nổi bến Tầm-Dương?

Hơi ca hồng đã tan thành huyết
Để tiếp vào cho má đỡ xanh?
Bạc mệnh, hỡi ơi, hoàn mệnh bạc,
Đâu còn ấm nữa rượu tàn canh!

Hay là đêm ấy Ngưu lìa Chức?
Xé nát da mình lau mắt ai?
Còn được gì đâu cho mặt trống;
Đập lên, hoang vắng đến ghê người!

Âm thanh trống rỗng, còn chi nữa,
Gắng gượng chi cho hồn Nhạc đau!
Ba kiếp lang thang, ngồi chụm lại,
Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau.

10.7.73

 

 

 

No comments:

Post a Comment