Powered By Blogger

Cành Mai Trắng Mộng


  1 cành mai trắng mộng
   2 đêm hiển linh
   3 gấm hoa
   4 bí mật Acropole
   5 mộng chim liền cánh
   6 buồn điều chi
   7 nghĩa trang câm nín
   8 Paris tái ngộ
   9 kỷ niệm Đông Âu
  10 công chúa mười lăm
  11 nhịp cầu
  12 đôi ngả
  13 nỗi lòng phương thảo
  14 sương gió bồng bênh
  15 trở về
  16 lòng ngõ dâng sầu
  17 nhớ mai
   
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
 




Cành mai trắng mộng
Thời gian chập lại cả đôi kim; Một phóng, mười hai mũi trúng tim. Giờ điểm Giao-thừa... Ai gọi đó? Mang mang tiềm thức bóng quê chìm. Góc màn sương khói nằm im, Cố đô mờ nét cuốn phim tháng ngày Đã từ lâu... Thoắt giờ đây Lòng căng thẳng chiếu lên đầy bóng quê. Hàng Cót trường tan, sóng tóc thề Dâng vào Yên-phụ ngược con đê; Xuôi ra Cống Chéo sang Hàng Lược; Từng dấu bèo theo giạt bến mê. Vàng thêu tượng đá Vua Lê; Cây quỳnh giao, lối đi về Chợ Phiên. Thoát thai từ truyện thần tiên Phất phơ bướm nhỏ chim hiền tung tăng. Đêm vườn Bách-thảo hội hoa-đăng, Cặp má đào ai giợn tuyết băng? Chiếc vượn non Nùng ngân tiếng hót, Rung theo hồn đá với hồn trăng. Mùa thu Hà-nội trẻ măng Gió may cũng gió Gác Đằng nhiều phen. Sánh vai nhau chọn hàng "len", Đẹp đôi cho đất trời ghen hai người. Xe điện Hà-đông xuống nửa vời; Mưa phùn men bốc cỏ xanh tươi. Vùng Thanh-xuân, buổi Thanh-minh ấy Chẳng biết chàng si hẹn gặp ai? Rồng lên một bóng u hoài; Ôi thôi, từng khúc ngã dài tâm tư! Chín giao thừa, tám năm dư; Cành mai trắng mộng, đêm trừ-tịch xuông. Tin xuân lữ thứ nghẹn hồi chuông, Lệ vỡ mười hai "nốt nhạc" cuồng. Sân khấu lùi xa vào ký ức, Phai dần hư ảnh cánh màn buông. Khói đâu mờ tím căn buồng; Thời gian ai đốt trên luồng thần giao? Cố đô lửa ấy gan nào? Sài-đô son sắt như bào như nung.
(Sài-gòn 1963)
--------------------------------------------------------------------
 
Đêm hiển linh
Ngõ cụt, về khuya, bước dẫm lên Mấp mô từng tiếng nấc ưu phiền. Hỡi ơi! Mẹ vẫn còn đau mãi? Nhát chém thành Sông, thịt khó liền! Tê rời mạch máu giang biên, Mười năm cốt nhục hai miền cắt ngang. Vết thương khoét lở đá vàng; Sông trôi, tiềm thức nghe vang mấy bờ... Còn đêm, hết ngõ! Chợt bơ vơ; Liệu hết đêm còn ngõ đứng trơ? Phải bóng mình đây, nằm sát đất, Như trong lòng Mẹ, đứa con thơ? Vườn hoa, pho tượng thẫn thờ; Bóng nằm kia, hẳn đợi giờ thần giao. Từng đêm hơi đất ngấm vào, Sẽ vùng lên một đêm nào đó chăng?
(Sài-gòn 1963)
----------------------------------------------------------------
  Gấm hoa
xa tặng Kiều-Thu
Trời Cố-đô cao vút Tuổi mười lăm hai mươi. Em là gái Hàng Cân Hàng Bút Thăng bằng muôn nét thắm tươi. Anh là gã thư-sinh Rừng Bách-thảo Giữa cỏ cây muông thú gọi tên người. Tiếng bay xuống tận phố-phường đông đảo Chen cánh hoa xoan hoa gạo Rèm tơ ý nguyệt đầy vơi. Cân nào không rung chuyển Bút nào không tơi-bời. Chim xanh qua lại muôn ngàn chuyến Bao nhiêu là Anh Ơi, Em Ơi... ! Gặp nhau lời vẫn nghẹn lời Đón đưa buổi học xa vời bước chân. Hồ Tây Bách-thảo nức hương-lân Hàng Bút hồ Gươm cũng rất gần Anh có mơ Em mộng gấm Đôi hồ soi đã tỏ mười phân. Lệ tương tư lại bao lần Cả hai cùng gởi vào thân phận hồ. Dịu hiền gương mặt Cố-đô Thoắt thôi gợn sóng điên rồ nhớ thương. Trăng nhà ai tròn khuyết Thời cơ gió nhiễu nhương Hà-nội thắt vòng đai tuế nguyệt Em nghe sầu rối tơ vương. Trời Nam-định Thái-bình rung sấm sét Anh lang thang lòng đứt cỏ uyên ương. Sừng sững dựng bức thành mây lửa dệt Xa cách hơn bao giờ hết Non Nùng cấm địa một phương. Vuốt đâu xuyên chiến lũy Cánh đâu vượt sa trường. Tìm nhau trong khói men cuồng túy. Nửa giấc mành Tương loạn sóng Tương. Quê Tình hoang đảo mờ sương Chiêm bao càng khổ chiếu giường phong ba. Hồ Kiếm Hồ Tây vẫn đậm đà Quanh hồ đâu chẳng ấm hơi ca Riêng cầu Thê-húc son thêm lợt Đê Cổ-ngư thêm lạnh tiếng gà. Em giai nhân dẫu không già Anh thi nhân dẫu không nhà càng thơ Nhưng thương cho mộng cùng mơ Gấm hoa đến thế ai ngờ nổi trôi. Bến xưa vừa trở bước Sông núi đã chia rồi. Em ở lại sầu gương tủi lược Bồ hòn kết đắng hoa môi. Anh ra đi, cánh phiêu hồng trốn tuyết Hay cánh thiên nga trốn vạc dầu sôi? Cũng có khác gì đâu! Trăng vẫn khuyết Đời vẫn gần thêm cửa huyệt Men chiều khói sớm đơn côi. Nắng nào không xao xuyến Mưa nào không bồi hồi? Tiếng kêu ném ngược đường kinh tuyến Chỉ thấy vòng quanh trở lại thôi. Biết chăng? Còn khúc "Gọi đôi" Còn chim Phượng ấy dành ngôi cho Hoàng? Trái Đất rồi hôm nào vỡ toang Giữa muôn tia tím ánh hồng loang Thịt xương tro bụi không phân biệt Anh sẽ dìu em mắt mở choàng. Địa Cầu quá nửa đi hoang Còn đây một mảnh sáng choang nụ cười Mơ hoa mộng gấm bừng tươi Một hành-tinh-mới, hai người-yêu-xưa.
(Sài-đô, 1967)
---------------------------------------------------------------
  Bí-mật Acropole
Đỉnh hoang phế, đây hoàng hôn nhân loại Đang vây quanh chờ giải đáp một lời. Muôn nếp sống, từ ba chiều băng hoại Của văn minh, tìm dấu trở về nôi. Trèo ngược dốc hai mươi lăm thế kỷ, Ta bước lên sầu đá dựng lưng đồi. Hỡi tàn tích giữa Athènes huyền bí, Acropole, thi sĩ Việt chào ngươi! Đá vẫn ngậm sầu trong cơn thử thách Với thời gian, không hàng phục buông trôi. Nên kho báu chẳng hóa thân từ thạch Cũng vàng thưa sắt ứng mãi quanh ngôi. Vàng với sắt: những gông cùm hãnh diện Đeo trên mình Thế-kỷ thứ Hai-mươi. Đứa nô lệ nào đây lê gót đến Acropole... mà ngơ ngác nhìn ngươi? Mặc gió táp, mảnh thành xưa đứng sững; Cột chênh vênh không nhả nóc lâu đài; Mấy pho tượng gối què chân vẫn cứng. Không cúi đầu, tuy đá chỉ còn vai. Ta cố hình dung mặt hoa Thần Nữ, Đá căng tròn ngực tượng bỗng đầy vơi... Nghe trang sách Vô Ngôn vừa gợn chữ: Mau ném đi tất cả, hỡi Con Người! Thi sĩ Việt trong tay không tấc sắt, Chưa giết một ai trên nẻo luân hồi; Vàng-hoen-máu chưa một lần để mắt; Acropole, ta đã hiểu lòng ngươi! Và, cũng mặc gió thời gian hí lộng, Ta ung dung thả bước xuống chân đồi; Lấy vần điệu chuốt pho thần tượng sống Hiện thành Thơ lời giải đáp thay ai.
(Athènes, 10-7-1965)
---------------------------------------------------------------
  Mộng chim liền cánh
Xa tặng YSA
Cách nhau mười chín giờ bay Mà không liền cánh chim này được ư? Cây sầu trút mãi lá thư Nhớ thương nát cả danh từ, hỡi ơi! Đêm đêm nhìn ảnh mơ người Đến mòn da phấn môi cười nhòa hương. Ảnh treo dần khắp bốn tường Siết vòng vây một góc giường đảo hoang. Sóng thu giợn ánh hồi quang Gối chăn bốc lửa sầu loang canh dài. Nằm đây giõi bước chân ai Cánh bưu hoa nở dấu hài lãng du. Ba-lê đẹp áo vàng thu Mặt trời La-mã sương mù Luân-đôn. Bờ Thiên-thanh lắng hoàng hôn Đổ xuôi Bạch-lĩnh tâm hồn tuyết băng. Hỡi ơi, cô gái tròn trăng Duyên bèo mây lại kết bằng tóc tơ! Ba năm một mối tình Thơ Núi trông mây, bến còn mơ tưởng bèo. Tình chưa nổi sóng mà xiêu Biết ai nhớ ít thương nhiều hơn ai? Muôn giòng thư, hãy nối dài Cho song hồ với trang đài liền nhau! Sẵn trăm ngàn bức thư sầu Đường kia nối cả địa cầu nguyệt cung. Hai phương sẽ hết lạnh lùng Đêm vào một giấc mơ chung với ngày. Sá chi mười chín giờ bay Mà không liền cánh chim này tương tư.
(Sài-gòn, 1963)
---------------------------------------------------------------
  Buồn điều chi
Người buồn ư? Buồn điều chi, Hỡi hỡi CON NGƯỜI viết bằng mẫu tự? Trong đó có anh, gã đàn ông biệt xứ, Trong đó có em, bà công chúa hoài nghi. Có cả anh, chàng trai từng đêm tự tử, Có cả em, cô bé giữa mùa vu quy. Và cả anh, tay hào kiệt đang làm lịch sử, Và cả em, gái cầm ca chớm hết xuân thì. Tôi biết anh buồn điều chi; Tôi biết em buồn điều chi! Này nhé: mười phương tâm sự Cuốn theo ngày tháng trôi đi... Khoảnh khắc trời hoang biển dữ, Nghe quanh tiềm thức, tư duy, Siết chặt giải băng sơn, đè nặng đám mây chì. Hoa còn đây, trăng còn đó chứ! Nhưng là hoa là trăng thế kỷ Hai-mươi. Và chúng ta, đâu phải những con người Của bình minh Ngôn-ngữ! Mà có thể chạy theo trăng tìm nhạc tứ, Ngồi bên hoa chờ bắt sóng hương trời... Hoa kia dù úa dù tươi Cũng chỉ là biểu tượng Kết thành bó trong tay một cô dâu miễn cưỡng Hay kết thành vòng trên nấm mộ nắng mưa phơi. Cuộc thưởng hoa bày cho hoa tự thưởng Mặc cho phấn khóc son cười! Giữa nếp sống duy hình, duy lượng, Thề hoa; câu chuyện nói mà chơi! Vầng trăng kia tròn, khuyết, đầy, vơi, Cũng chỉ là một sân bay để phi thuyền đáp xuống, Gần, xa... trong tương lai. Núi phễu chênh vênh: chỗ đặt pháo đài, Rốn biển Câm: dàn hỏa tiễn ngày mai. Ảo ảnh cung Thiềm chết uổng; Cành đan quế mang trái cầu mọt ruỗng, Nhạc Vũ-y pha tín hiệu ngắn dài! Ôi, diễm lệ màu hoa, nét trăng tình tứ, Đang từng phút sa lầy vũng bùn Nguyên-tử, Nàng Thơ vạn kiếp sầu bi! Kìa: ngập tới thềm vai, ngập tới rèm mi! Đất dựng sững thành băng, Trời đậy kín vung chì... Đã đến lúc vùi sâu kim cổ; Trọn một nếp văn minh cả ngàn thu phong độ Nhường cho loài Máy chỉ huy. Lúc ấy Con Người, gọi tên bằng chữ số, Hẳn sẽ không buồn điều chi! Vì chẳng còn anh, gã đàn ông biệt xứ; Vì chẳng còn em, bà công chúa hoài nghi. Cũng chẳng còn ai từng đêm tự tử; Cũng chẳng còn ai giữa mùa vu quy. Và chẳng còn đâu Lịch-sử. Và chẳng còn đâu Xuân-thì! Hỡi hỡi Con Người chẳng còn tên ấy nữa, Làm sao ngươi buồn nổi điều chi!
(Sài-gòn, 1964)
---------------------------------------------------------------
  Nghĩa trang câm nín
Hồn ma rên rỉ đáy mồ sâu: Đất sống còn chăng cuối nhịp cầu? Mép vải tay run, người cúi mặt; Phù kiều ai biết dẫn về đâu!... Hai hàng thông đứng trơ trơ ngọn, Nhìn thấy gì, sao chẳng mách nhau? Ơi hỡi!... đêm đêm bừng trái sáng, Cây già nhiễm độc chết từ lâu! Chỉ nghe siết chặt quanh hài cốt Màng lưới Âm-ti mắt đỏ ngầu...
Nghĩa trang Bắc-Việt (Sài-gòn) Ngày 14 tháng 7 Đinh Mùi (1967)
---------------------------------------------------------------
 Paris tái ngộ
Trường bay vàng rót họa mi, Chàng Say chẳng hẹn Paris vẫn chờ. Kim thời gian trỏ Không-giờ, Đường hoa sực tỉnh bất ngờ... dậy men. Tiếng chào vang đỉnh Eiffel, Mở vòng tay cũ, sông Seine trắng ngần. Rimbaud có phải tiền thân Từ Phi-châu khoác phong trần hồi hương? Hay gò Montmartre đêm sương Hậu thân nào của phố phường Thăng-long? Cánh tay kia: giải sông Hồng; Tháp kia: tháp Bút soi lòng hồ Gươm! Đài mây bao độ tơ ươm, Khải-hoàn-môn lại dìu bươm bướm về. Bước chân rợn cỏ Bồ-đề, Một hay năm Cửa nhất tề nở Sao? Tàn đêm loãng khói chiêm bao, Người yêu Hà-nội say vào Paris!
(Paris, 6-8-1967)
---------------------------------------------------------------
  Kỷ-niệm Đông-Âu
Ôi hồ Bled! Chiều nay giòng Cảm-xúc Đổ về ngươi muôn ngòi Bút tương thân. Sóng hải đảo gió mây hai đại lục Trời Nam-tư hò hẹn đã bao lần! Đón thi hữu, sá chi phòng khách thính; Giữa lòng ngươi, kìa thấp thoáng non thần. Ngay đầu non, một lâu đài cổ kính, Nếp vương hầu sương mỏng áo giai nhân. Ngọc lấp lánh, chừng như lầu với núi Mọc lên theo bầy tinh tú thủy ngân. Ai khéo đúc một "Đào-nguyên bỏ túi" Mà xinh xinh ngàn cánh bướm ân cần? Nào Rôma nào Athènes, Belgrade, Cuộc hành trình bao cát bụi vương chân. Bao hùng vĩ, kiêu sa... nhưng lạnh nhạt; Đâu bằng ngươi, hồ núi Bled thanh tân! Vòng tay gọi của "người yêu" bé nhỏ, Ngực đá hoa rung động nét thùy vân... Dốc thoai thoải lên Địa-đàng Trung Cổ, Lòng ta nghe mỗi bước tự gieo vần.
(Bled, 7-7-1965, Hội-nghị Văn Bút Quốc-tế lần thứ 33)
---------------------------------------------------------------
 
Công-chúa Mười-lăm
Xa tặng YSA
Công Chúa Mười Lăm, nàng ở đâu? Tìm nàng, thôi đã nát Âu-châu. Ba-lê, Nhã-điển hay La-mã Đâu cũng rêu in lệnh Miễn Chầu. Sân chầu lẻ cặp, những vần thơ Giạt tới Sông Xanh lạnh ngắt bờ. Nét vẽ bay lên sườn Núi Trắng, Đâu rừng Thi Họa thuở ban sơ? Ta mỏi đi hoang chín kiếp dài, Áo thêu rồng phượng rách chông gai. Nhớ năm xưa đến khu Rừng Cấm, Lục địa già nua bỗng đẹp trai. Kiếp thứ mười nên bước đã chồn Ta gieo mình xuống thảm hoàng hôn, Ngủ chung giấc ngủ nàng Công Chúa Mơ tuổi Mười Lăm biếc lại hồn. Nàng say sưa ngủ dưới trời sao Chợt gọi tên ta giọng ngọt ngào: "Anh nhích gần coi em vẽ bóng" "Cho Thơ là một với Chiêm-bao!" Đê mê nhịp thở phút huyền ngưng, Đôi lứa chìm sâu đáy Tượng-trưng. Ta nhủ: "Kìa em! Thơ mở lối, Còn sâu hơn cả trái tim Rừng!" Đêm cũng đêm sâu nhịp với Tình Nhưng đêm nào chẳng có bình minh. Ta hôn mười ngón tay vừa nở Rồi bước đi hoang lại một mình. Tưởng đâu Rừng Cấm mãi thâm u, Nàng chẳng bao giờ mở sóng thu. Vì chẳng bao giờ ta cất tiếng Gọi cho nàng tỉnh giấc ôn nhu. Năm năm trở bước một lần thôi; Hoàng-tử-không-nhà lại có ngôi. Giấc ngủ bên nàng, đêm tái tạo, Thơ ngâm truyền lửa đóa hoa môi. Ai hay một sớm tự non Sầu Ngập gió bay ra lệnh Miễn Chầu. Cánh quạ nối hàng, đen khủng khiếp: Tin nàng Công Chúa bỏ rừng sâu. Hôm trước, loài kim hiện ngọc ngà Hóa trang làm một chiếc thiên nga Xé mây Bạch Lĩnh... Ôi, Người Đẹp Trút lại tàn y: Lục-địa-già! Biển Bắc trời Âu hết đẹp trai, Nhòa tranh Siêu-thực bóng trang đài. Thơ Trừu-tượng cũng nhòa linh giác Hồn chẳng đong đầy cặp mắt nai. Ngơ ngác rừng xưa đá chập chùng, Nơi nào Cửa Khuyết hỡi Mê-cung? Nàng đi mang cả hồn Thi, Họa, Trời biển nằm trơ mấy mảnh khung. Ta biết nàng đi chẳng một về, Tìm ai Nhã-điển với Ba-lê? Mấy phen La-mã ghì vân thạch, Tượng ngủ không bay gợn tóc thề. Hỡi ơi! Công Chúa vượt trùng dương, Đất mới hoa dâng khắp ngả đường! Sáng rực nơi nào đôi mắt biếc Là nơi ấy mở một triều Vương. Hòa-lan Đan-mạch nắng vàng thu Đôi bạn tình xưa phút mộng du. Hài gấm chỉ còn ta nhận dấu, Chừ, xuân ngăn ngắt tím sa mù... Ngẩng nhìn: Sông Bạc chẳng mưa tuôn, Châu Á khuya nay đọng khối buồn. Thăm thẳm mấy phương lòng rạn vỡ, Sao trời nhân lệ một thành muôn. Hoảng hốt ta ôm chặt bóng kiều; Đầy tay sương khói nặng bao nhiêu? Phải chăng, kìa góc rừng Thi Họa Vẳng tiếng chim xanh gọi Thiết Triều? Hai mươi mốt tuổi nét xuân đằm Nàng bỏ trời Âu tuyệt bóng tăm. Trải đúng hai mùa sen Tịnh Đế, Hồi loan, Công Chúa lại Mười Lăm? Vào giấc cô miên, nàng hãy nghe: Còn đây nửa vạt áo rồng che, Ta lên đường gấp cùng tia nắng Cho kịp dâng nàng một xác ve. Nàng ôi, Nàng ôi, Ta mơ chăng? Biển Đông biển Tây đều biển băng! Thôi rồi...! ta không còn dám nghĩ Tiếng ấy chim trời hay cá săng. Nhưng từ tăm cá bóng chim mờ Kỷ niệm tung hoành nát gối mơ. Hoàng-tử phiêu-bồng thân nhẹ bấc Vào săng càng thấy chỉ là Thơ. Một gửi xương da vách huyệt mềm, Thịt hao mòn, có Đất cho thêm. Cả tâm, thân, lại đầy phong độ, Ta sẽ hồi sinh đúng nửa đêm. Kiếp thứ mười hay mười một ư? Cần chi! Rồng phượng áo chưa hư! Sông Xanh núi Trắng rừng Thi Họa Ta đến phen này kết thảo lư. Và ta nằm xuống thảm bình minh Ngủ giấc sâu hơn biển Thái Bình. Công Chúa Mười Lăm về cạnh đó, Thay ngôi Chủ Khách... lại càng xinh. Nửa giấc nàng say hé cặp môi: "Nhớ nhau hẳn cũng Thơ xong rồi! Trước kia vẽ bóng, hình quên vẽ, Hơi tiếng đều quên... hóa lạc đôi. Tiếng trời hơi đất vẹn trường canh Nay đã về, qua nhịp-thở anh. Tóc bạch kim này, em chỉ đợi Gieo hương cho mộng ngát duyên lành." Ta uống từng âm hưởng dị kỳ Nhưng lòng nghe gợn sóng hồ nghi: "Em ơi! Rừng Cấm vui đoàn tụ Sao chẳng hề vang khúc họa mi?" Ngọc vỡ san hô trút suối cười: "Anh lầm! Đây sắc nắng hồng tươi; Quê hương anh chứ!... Và, em biết, Anh vẫn là anh kiếp thứ mười." Lầm Sinh với Tử, Á thành Âu?... Mới rõ tình Thơ ý Vẽ sâu. Hơn cả trái tim rừng Biểu-tượng; Bên kia thế giới nghĩa gì đâu! Công Chúa Mười Lăm chẳng bỏ ngôi, Ra đi là để tới đây thôi? Cùng ta xum họp muôn ngàn kiếp; Chỗ hết Thời-gian, đích phản hồi? Ta ngập ngừng toan hỏi lại nàng, Ngây thơ đã tiếp suối cười vang. Hồi thanh có họa mi chen khúc Và cả trời xưa cặp Phượng-hoàng. Câu hỏi lưng chừng, lớp sóng Yêu Xô nghiêng về tận bến Lam-kiều. Nhạc đâu huyền thoại mưa vàng đổ? Lệnh Miễn Chầu hay lệnh Thiết Triều? Nàng uốn mình tơ dưới áo lông: "Sông Xanh nào có khác sông Hồng! Núi Đen núi Trắng nguyên là một; Kiếp thứ mười sao chưa cảm thông?" Cảm Thông? Hai chữ nhớ thương đầy; Thi Họa duyên nào gốc ở đây?... Ta vội mở trang Tình Sử cũ; Ôi, màu vẽ Tuyết, ý thơ Mây! Tình Sử ai ghi? chuyện xứ nào? Mộng vàng đôi lứa sẽ ra sao? Tay nâng trang sách, ta nhìn xuống: Nàng chợt như tia nắng rụng vào! Thể nhập rồi, trang sách trắng ngà, Ôi, nàng!... Sắc giấy hiện màu da. Đường cong tuyệt bút dần thu nhỏ Nằm gọn trong muôn nét kỷ hà. Chẳng chút hồ nghi, ta xé đôi Trang minh họa ấy để về ngôi... Vì Thơ đến lúc nguyên hình Mộng Uy lực Không-gian đã hết rồi. Nét vẽ cuồng dâng tóc bạch kim Giòng thơ đập loạn tiếng con tim. Nàng ôi, Tình một phương không đáy, Ta phải làm ra đáy để tìm... Quên hết ngôn từ, chữ với câu: Vần phai theo bóng, nét theo màu. Dư âm Thi Họa riêng còn chút: Công Chúa Mười Lăm, nàng ở đâu?
(Sài-gòn, tháng Tư 1967) Chú giải Cảm Thông là nhan đề một thi tập của V.H.C., do YSA minh họa bốn bức (Thông trên tuyết, Biển san hô, Xương rồng, Thần chết), ấn hành năm 1960, kèm bản dịch Anh, Pháp.
Ghi thêm YSA là chữ tắt mà Vũ Hoàng Chương dùng để gọi Ysabel Baes, một nữ thi sĩ và họa sĩ Bỉ, người đã minh họa cho tập Cảm Thông của ông. Chữ YSA cũng có thể đảo thành SAY, mà "Chàng Say" là biệt hiệu Vũ Hoàng Chương tự gọi mình. Đã có nhiều triển lãm tranh và xuất bản ít nhất một thi tập nổi tiếng (O Ma Jeunesse o Ma Folie - 1959) trước đó, Ysabel Baes vừa tròn 15 tuổi lúc ông quen nàng tại Hội Nghị Thi Ca Quốc Tế.
--------------------------------------------------------------------------
  Nhịp cầu
Xa gửi anh hồn bạn thơ N.L.
Hạc vàng bay đi, Lầu hoang sầu vây quanh; Đường ngôi hoang khói sóng bơ phờ. Bướm trắng bay đi, Bầy lan run rẩy mộng; Gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ. Một con người mê đời như ai kia! Tài hoa như ai xưa! Nức tiếng "văn hay" một thời! Uổng cho sông Sen chưa từng hé nhụy; Sông Dương chưa hề buông tơ. Chỉ u uất một giòng Thanh-thủy Nối vần mây còn lạc điệu hai bờ... Người ôi! Người ôi! Chí sĩ đền xong nợ nước, Văn hào đã thỏa ước mơ; Hai bóng đi vào hai lối Sử, Riêng Người một chuyến ra đi tìm Thơ. Phải chăng, bến quạnh sao mờ? Lan xuông Bướm trắng lầu trơ Hạc vàng!
(Sài-gòn, 1964)
Ghi thêm Qua việc nhắc đến Bướm Trắng và Giòng Sông Thanh Thủy, chúng ta có thể biết rằng người "bạn thơ" N.L. của V.H.C. không ai khác hơn là văn hào và chí sĩ cách mạng Nhất Linh (1905-1963). Nhất Linh có thơ đăng báo từ 1920, và trong các tiểu thuyết của ông, thỉnh thoảng cũng thấy điểm xuyết một vài câu thơ: Người đi lâu chửa thấy về, Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn...
-------------------------------------------------------------------------
  Đôi ngả
Chia con sầu rỏ huyết Trang huyền sử còn ghi Lòng Mẹ xuống Nam Hải Lòng Cha lên Ba Vì Chia duyên sầu bất tuyệt Lòng đôi lứa mê si Trai Cửu Trùng hạ tứ Thơ vọng tiếng Bằng Phi Gái Lầu Tây cất chén Ngọc đọng hồn Trương Chi Mồ xanh cỏ như áo Người khuất núi như mi Tình sử dệt thương nhớ Bao Quỳnh Như Chiêu Lỳ. Tình sử với huyền sử Chia duyên cùng chia con Sầu bất tuyệt là giấy Sầu rỏ huyết làm son Viết giòng thiên cổ hận: Chia nòi giống nước non. Ngòi bút này sắt đúc Từng ngựa Gióng bon bon Cây bút này bằng trúc Phá giặc Ân chưa mòn Hãy rạch nát thân phận Bấy lâu rồi héo hon Giống nòi chẳng một giận Non nước dễ đâu còn.
Nam-đô, Xuân Đinh-mùi, 1967
-------------------------------------------------------------------------
  Nỗi lòng phương thảo
Con oanh đứt ruột làm chi Lửa phai màu áo, mơ gì Vương Tôn? Chừ nghe Xuân cũng vô hồn, Ngàn hoa tiếng nổi như cồn, sá đâu? Gió tanh rền rĩ Mê Lâu, Cỏ Tương Tư kết ngôi Sầu quê Say. Mênh mông xương trắng ai bày? Khói bên kia... sóng bên này... hỏi ai? Mấy mùa thơm Cúc thơm Mai, Sao mùa thơm để thiệt loài Cỏ Thơm? Bụi hồng tung... vó ngựa chờm... Máu xanh chẳng múa đường gươm nữa rồi? Bóng thiều vun vút như thoi, Nát lòng tơ biếc, ai soi thấu tình? Hôm nao cánh én đăng trình; Nép bên cầu, vẫn tưởng mình còn non. Thảo lư tiếc mộng không tròn; Rồng bay, tấc cỏ riêng còn ngát chăng? Bước du xuân chợt dùng dằng; Bờ đê lửa đóm giăng giăng ngập trời. Thuồng luồng đâu đó phun hơi, Lâu đài la liệt cách vời Tiêu Tương.
(Sài-gòn, Xuân Bính-ngọ, 1966)
-------------------------------------------------------------------------
  Sương gió bồng bênh
xa gửi bạn N.B.
Hỡi kẻ đúc gươm lò Chiến quốc, Từng đem mạng sống đổi gươm linh, Chỉ mong ánh thép xoay thời cuộc Trở lại mùa Thiên-hạ-thái-bình Nhớ Ngươi, ai nhớ bằng Ta nhớ! Ta tráng sĩ từng như mây bay Ghé bến Hoàng Sa, chân dẵm lửa Tìm gươm... Và đã được trao tay. Tráng sĩ là ta; Ngươi ẩn sĩ; Hai vai Sống Chết nay chia bờ; Hỡi ơi, Bính nhớ Hoàng không nhỉ? Hà Nội đêm nào diễn kịch thơ! Ôm Bóng Giai Nhân từ mộng ảo Vào không gian Kịch hiện chân thân, Ta cùng Ngươi đã chung hoài bão: Gươm sáng ngời lên giữa điệu vần. Nhưng rồi... Sân khấu nằm tê liệt, Trời Cố Đô như bóng mất hình Khói đắng men cay đêm tiễn biệt: "Con chim bằng vỗ cánh dời sang Nam Minh." Bài Ca Tận Túy rung thành lệ, Ngươi bảo: "Thơ Hoàng phải Bính ngâm!" "Lỡ Bước Sang Ngang - Ta nhủ khẽ - Gươm thiêng trong kịch chớ trao lầm!" Ai hay Đời chẳng Thơ như Kịch Năm ấy Ngươi đi là "một đi..." Dẫu có trở về, nhưng tịch mịch Hình phai bóng lợt đâu còn chi! Còn ai diễn Bóng Giai Nhân nữa? Ngươi với Cố Đô cùng mất nhau. Ta mất cả hai... Còn một nửa Cuộc đời... Thôi cũng xế ngàn dâu! Ném lên sàn gỗ? Ai cùng diễn? Ném xuống, nào ai mở Quỷ Môn? Ném tới, ba chiều xương máu nghẹn Đành thôi, Bính ạ, Một càn khôn! Hoàng đang ở cõi "Vô hà hữu" Bính lại, đừng lo đường lối mê! Chẳng thấy ngả nghiêng hoa thạch lựu? Hoàng ngâm thơ Bính... có hồn ghê! "Chừ đây bên nớ bên tê, Sương thu xuống, gió thu về, bồng bênh" Cầm tay, vẳng tiếng gươm ngày nọ Bến nước mười hai khóc nổi nênh!
(Nam-đô, tiết tháng Bẩy, 1967) Cước chú. Đoạn 1, 2, 3 - Nguyễn Bính là tác giả kịch thơ Bóng giai nhân, do Ban Kịch Hà-Nội đưa lên sân khấu Nhà Hát Lớn, đêm 10-10-1942; N.B. thủ vai ẩn sĩ đúc gươm; V.H.C. thủ vai tráng sĩ đến bến Hoàng-sa cầu gươm báu. Nhưng muốn cho gươm "có hồn", cần phải giết ngay kẻ đứng trước mặt mình; thế là kẻ đúc gươm đã vui lòng chịu chết, trao nhiệm vụ "bình thiên hạ" cho tráng sĩ, người xứng đáng dùng gươm. Đoạn 5 - Câu thơ này (Con chim bằng...) của V.H.C. tiễn N.B., trong Bài Ca Tận Túy; N.B. vào Nam từ 1944. Đoạn 6 - Lỡ Bước Sang Ngang là tập thơ đầu tiên của N.B. Đoạn 11 - Hai câu thơ này (lục bát) của N.B. đã viết ở Huế (1944).
------------------------------------------------------------------------
  Trở về
Đã phá đứt tung Mọi dây trói, mọi rào đơn lưới kép. Đã xóa bỏ những vòng đai chật hẹp Những phù hoa lồng kính đóng khung. Và đã trở về. Đâu cần mở con-đường-không-biết-khép; Cảnh nơi đây còn nguyên vẻ đẹp Của hôm nào ra đi. Núi ngày cũ nghiêng đầu khoe tóc mượt, Rừng thông vẫn tiếng reo xanh. Lưng yểu điệu hòa theo mầu cỏ mướt, Vòng chân đứng vững như thành. Chỉ có tóc này pha sương, Hai vai này vơi mất nhiều xuân để mang đầy cát bụi, Những bước đi này thêm nặng đau thương Kể từ xuống núi. Giòng suối cũ chẳng cao lên, cũng chẳng hao gầy, Vẫn là gương mặt thơ ngây. Giọng nói cười trong vắt Giữa vùng hoa dại kết nôi. Chỉ có ngàn tia hy vọng tắt Không hẹn phản hồi; Chỉ có niềm tin nín bặt Trong đôi hố mắt này thôi. Người yêu cũ nằm đây, trang sách mở, Thân đọng ngọc lung linh Hồn Chữ hương dìu hơi thở Gợn khắp châu thân từng vân ngọc đa tình. Chỉ có thịt xương này khô héo Tâm tư này xiêu vẹo Qua nhiều cơn sốt mê tơi Của những mưu sinh, ứng thế, tranh thời. Chử Đồng Tử với Tiên Dung Công chúa Từng khói mây vút cánh Bồng Châu. Khói như tơ bạc mây như lụa Nhưng Bồng Châu? Bồng Châu? Ai biết nơi đâu? Và đâu chỉ một phương Thần Thoại ấy, Một lứa đôi tài tử đất Phong Khê! Gẫm lại ngàn xưa ai chẳng vậy; Chẳng ai không "trở về". "Trở về"... "Trở về"... ôi điệp khúc Mỗi giây phút như kêu đòi như thúc giục! "Về đi thôi!"..., Đào lệnh có vườn hoang Tư Mã Tương Như có bóng chim hoàng Lưu Nguyễn có hoa đào nước suối. Ai giác ngộ có bè Nam Hải Tham sân si cũng có vực Trầm Luân. "Trở về", ai chẳng một lần! Còn may cho ta Chốn cũ không già. Cuộc trở về êm như bản nhạc Đường về tạo lấy bằng Thơ Vì ta vẫn là Ta, dầu nghiêng lệch bơ phờ Núi vẫn nhận ra nhau, suối không hề oán trách. Và Người xưa... Ôi Người Yêu trinh bạch, Dám đâu ta gọi thức bao giờ!
(Sài-gòn, 1967)
------------------------------------------------------------------------
  Lòng ngõ dâng sầu
Phương Nam có người đẹp Dùng văn thay phấn son Mộng gầy trang sách ép Ngoài song hoa nở ngon Gió bão khơi ngòi thép Đá ba sinh chưa mòn Chỉ e lòng ngõ hẹp Sầu thu lở núi non
(Sài-gòn, 2-11-66)
------------------------------------------------------------------------
 
Nhớ mai
Khói tỏa thơ ngâm dưới gốc này Hôm nào... để nhớ tới hôm nay, Tiếng tiêu thổn thức bên thành nổi Từng trận mưa hoa trắng vũng lầy. Rã cánh em hồng theo chị bạch Hồn thơm biết có gửi đâu đây? Phút vui những tiếc sao mà ngắn Nâng chén thanh mai giọt lệ đầy. Hoa lý hoa đào không giải ngữ Một mình tỉnh giữa bốn phương say. Tương tư, mượn giấc không thành giấc Bao đĩa dầu vơi ngọn nến gầy. Cành Bắc cành Nam đều giá buốt Thâu đêm ngồi lẻ ấp da cây. Nhìn trăng soi chếch vào song vắng Hận kiếp tu xưa đã chẳng dầy!
(Sài-gòn, 1963)

No comments:

Post a Comment